Chế độ lương thưởng mới nhất của người lao động theo quy định pháp luật

Sau khi đại dịch Covid bùng nổ, nền kinh tế toàn cầu đã gặp phải những ảnh hưởng tương đối nghiêm trọng. Hàng loạt các công ty, tập đoàn phải cắt giảm nhân sự, tình trạng nợ lương người lao động diễn ra thường xuyên,... Vấn đề lương – thưởng của người lao động vốn là một vấn đề cấp thiết thì nay lại càng trở nên cấp thiết hơn. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin cơ bản về vấn đề lương - thưởng của người lao động theo pháp luật Việt Nam hiện nay.

Các quy định về lương, thưởng Tết năm 2022 | Báo Lao Động

Tiền lương và thưởng

Tiền lương

  • Theo điều 90 Bộ Luật Lao động 2019 (BLLĐ), tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
  • Trong đó, mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu và người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau.

Thưởng

Theo điều 104 BLLĐ 2019, Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Mức lương và thưởng mà người lao động nhận được là bao nhiêu

Mức tiền lương

Trước hết mức tiền lương của người lao động cần phải đáp ứng mức lương tối thiểu vùng.

  • Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. (Theo điều 91 BLLĐ 2019)
  • Mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ và được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp. Cụ thể tại Nghị định 38/2022/NĐ-CP về Mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động quy định mức lương tối thiểu vùng như sau:

Vùng

Mức lương tối thiểu tháng

(Đơn vị: đồng/tháng)

Mức lương tối thiểu giờ

(Đơn vị: đồng/giờ)

Vùng I

4.680.000

22.500

Vùng II

4.160.000

20.000

Vùng III

3.640.000

17.500

Vùng IV

3.250.000

15.600

Thông thường người lao động thường sẽ làm việc 26 ngày mỗi tháng, có tháng làm 24 ngày, có tháng 25 ngày, có tháng 26 ngày nhưng cũng có lúc lên đến 27 ngày tức là tháng 31 ngày, thời gian làm việc nhiều hơn, bỏ nhiều công sức hơn. Mức tiền lương cụ thể sẽ phụ thuộc vào thang lương, bảng lương của mỗi công ty, doanh nghiệp xây dựng.

Tiền thưởng

Những loại tiền thưởng mà người lao động có thể được nhận bao gồm:

Thưởng Tết

Hiện tại, pháp luật không quy định bắt buộc người sử dụng lao động phải thưởng Tết cho người lao động. Do đó, thưởng nói chung và thưởng Tết nói riêng cho người lao động đều không phải là nghĩa vụ của người sử dụng lao động. Dựa trên kết quả kinh doanh và mức độ hoàn thành công việc của người lao động mà doanh nghiệp sẽ chủ động xem xét thưởng hay không thưởng, thưởng nhiều hay thưởng ít cho người lao động. Ngoài việc thưởng Tết bằng tiền, doanh nghiệp được phép thưởng cho người lao động bằng hiện vật hoặc các hình thức khác.

Lương tháng 13

Giống như thưởng tết, "lương tháng 13" không được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật nhưng hiện đang được khá nhiều doanh nghiệp áp dụng. Số tiền này thường được trả cho người lao động vào dịp cuối năm. Doanh nghiệp chỉ bắt buộc phải chi trả lương tháng 13 nếu trước đó có thỏa thuận trong hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể. Hiện nay, lương tháng 13 thường được được xác định theo hai cách, theo mức bình quân tiền lương trong năm, hoặc theo mức lương tháng 12 của người lao động. Do đó, việc chi trả lương tháng 13 sẽ được áp dụng một trong hai cách tính trên tùy doanh nghiệp và thỏa thuận giữa các bên.

Tiền thăm hỏi từ quỹ tài chính công đoàn

Ngoài các khoản tiền người lao động được nhận đã đề cập ở trên, người lao động còn có thể được nhận tiền, quà thăm hỏi từ các quỹ tài chính công đoàn. Công đoàn cơ sở sẽ chủ động cân đối nguồn thu, chi trong năm và sử dụng tối đa nguồn quỹ tích lũy để đảm bảo chăm lo đời sống cho đoàn viên, người lao động. Các công đoàn cấp trên cũng sử dụng một phần tài chính công đoàn tích lũy để hỗ trợ công đoàn cấp dưới. Căn cứ trên nguồn quỹ tài chính công đoàn mà các chính sách hỗ trợ, động viên, thăm hỏi người lao động của từng địa phương sẽ là khác nhau.

Nguyên tắc và hình thức trả lương cho người lao động

Nguyên tắc trả lương

Vấn đề chi trả tiền lương, tiền công thực hiện thế nào, theo nguyên tắc nào, ngày trả lương cán bộ, công nhân, nhân viên là bao nhiêu và rất nhiều thắc mắc liên quan đến chế độ tiền lương mà người lao động chưa biết quy định thế nào, tìm hiểu ở đâu. Do vậy, để đảm bảo quyền lợi của mình bạn hãy nghiên cứu quy định luật lao động, luật BHXH và văn bản liên quan để có quyết định, yêu cầu phù hợp. (Tìm hiểu thêm tại Luật bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13)

Theo điều 94 Bộ Luật Lao động 2019, người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.

Cùng với đó, người sử dụng lao động không được

  • Hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động;
  • Ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định;

Người sử dụng lao động trả lương cho người lao động căn cứ vào:

  • Tiền lương đã thỏa thuận;
  • Năng suất lao động;
  • Chất lượng thực hiện công việc;

Tiền lương ghi trong hợp đồng lao động và tiền lương trả cho người lao động bằng tiền Đồng Việt Nam, trường hợp người lao động là người nước ngoài tại Việt Nam thì có thể bằng ngoại tệ.

Mỗi lần trả lương, người sử dụng lao động phải thông báo bảng kê trả lương cho người lao động, trong đó ghi rõ tiền lương, tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc vào ban đêm, nội dung và số tiền bị khấu trừ (nếu có).

Hình thức trả lương

Hình thức trả lương được quy định trong điều 95 (BLLĐ 2019)

Theo điều 95 thì hình thức trả lương do người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận bao gồm:

  • Trả theo thời gian;
  • Theo sản phẩm; 
  • Theo mức khoán;

Lương được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng. Trong trường hợp trả lương qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng thì người sử dụng lao động phải trả các loại phí liên quan đến việc mở tài khoản và chuyển tiền lương.

(Tìm hiểu thêm tại Nghị định 145/2020/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động)

Kỳ hạn trả lương

  • Người lao động hưởng lương theo giờ, ngày, tuần thì được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thỏa thuận nhưng không quá 15 ngày phải được trả gộp một lần.
  • Người lao động hưởng lương theo tháng được trả một tháng một lần hoặc nửa tháng một lần. Thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và phải được ấn định vào một thời điểm có tính chu kỳ.
  • Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thỏa thuận của hai bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.
  • Trong trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày; nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.

Các chế độ tiền lương khác

Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm được trả như thế nào

Đối với người lao động làm thêm giờ lương được tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau:

  • Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
  • Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
  • Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.

Đối với người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường. Ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 98 (BLLĐ 2019) người lao động làm việc thêm giờ vào ban đêm còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết. (Tìm hiểu thêm tại Nghị định 145/2020/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động)

Tiền lương ngừng việc được trả như thế nào

Trường hợp phải ngừng việc, người lao động được trả lương như sau:

  1. Nếu do lỗi của người sử dụng lao động thì người lao động được trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động;
  2. Nếu do lỗi của người lao động thì người đó không được trả lương; những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc thì được trả lương theo mức do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu;
  3. Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế thì hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc như sau:
  • Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu;
  • Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.

Trả lương thông qua người cai thầu như thế nào

  • Nơi nào sử dụng người cai thầu hoặc người có vai trò trung gian tương tự thì người sử dụng lao động là chủ chính phải có danh sách và địa chỉ của những người này kèm theo danh sách những người lao động làm việc với họ và phải bảo đảm việc họ tuân thủ quy định của pháp luật về trả lương, an toàn, vệ sinh lao động.
  • Trường hợp người cai thầu hoặc người có vai trò trung gian tương tự không trả lương hoặc trả lương không đầy đủ và không bảo đảm các quyền lợi khác cho người lao động thì người sử dụng lao động là chủ chính phải chịu trách nhiệm trả lương và bảo đảm các quyền lợi cho người lao động.
  • Trong trường hợp này, người sử dụng lao động là chủ chính có quyền yêu cầu người cai thầu hoặc người có vai trò trung gian tương tự đền bù hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật.

Câu hỏi liên quan

Pháp luật quy định về kỳ hạn trả lương cho người lao động như thế nào? Mức phạt cho người sử dụng lao động khi trả lương không đúng hạn cho người lao động
Xem thêm
Thang lương lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh Bảng lương lao động trực tiếp sản xuất kinh doanh Bảng lương chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ, phục vụ
Xem thêm
Từ ngày 1-1-2022, tăng 7,4% lương hưu, trợ cấp BHXH Cán bộ Công đoàn cơ sở được hưởng tối đa 1,49 triệu/tháng phụ cấp trách nhiệm Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ xuất khẩu lao động được tăng mức ký quỹ Hướng dẫn trích lập về lương kiểm soát viên công ty TNHH MTV 100% vốn NN
Xem thêm
Tiền lương theo thời gian Tiền lương theo sản phẩm Tiền lương khoán
Xem thêm
Thế nào là trả lương theo thời gian? Ưu điểm và hạn chế
Xem thêm
Quy định về tiền lương ngừng việc Doanh nghiệp phải tăng tiền lương ngừng việc cho người lao động
Xem thêm
Nội dung đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc chủ doanh nghiệp tạm ứng lương Cơ quan có thẩm quyền buộc chủ doanh nghiệp tạm ứng tiền lương Điều kiện để tòa án chấp thuận yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
Xem thêm
Mục đích hướng đến Lợi ích của quy chế lương thưởng, phụ cấp minh bạch
Xem thêm
Sự thay đổi mức lương tối thiểu vùng có làm tăng tiền lương tối thiểu khi điều chuyển công việc? Mức lương tối thiểu vùng áp dụng kể từ ngày 01/7/2022
Xem thêm
Doanh nghiệp trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng thì bị xử lý như thế nào? Mức lương tối thiểu vùng áp dụng kể từ ngày 01/7/2022
Xem thêm
Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!