Phân biệt trách nhiệm bồi thường của nhà nước với trách nhiệm bồi thường dân sự khác như thế nào?
99
06/10/2022
Phân biệt trách nhiệm bồi thường của nhà nước với trách nhiệm bồi thường dân sự khác như thế nào?
Trả lời
Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước
So sánh trách nhiệm bồi thường của nhà nước với trách nhiệm bồi thường dân sự khác
Bồi thường của nhà nước là một loại trách nhiệm pháp lý đặc thù, vì nhà nước là loại chủ thể đặc biệt trong quan hệ pháp luật, do vậy tính chất của trách nhiệm bồi thường ở đây cũng đặc biệt, khác với trách nhiệm dân sự thông thường. Bên cạnh những đặc điểm chung của bồi thường trách nhiệm dân sự, trách nhiệm bồi thường của nhà nước có đặc thù riêng.
Về chủ thể gây thiệt hại
Trong bồi thường của nhà nước, chủ thể gây thiệt hại là người thi hành công vụ. Người thi hành công vụ là người được bầu cử, phê chuẩn, tuyển dụng hoặc bổ nhiệm vào một vị trí trong cơ quan nhà nước để thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án hoặc người khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án.
Bồi thường dân sự khác, chủ thể gây thiệt hại là bất kỳ người nào có hành vi trái pháp luật do lỗi cố ý hoặc vô ý mà gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường.
Về chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường
Trong bồi thường của nhà nước, chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường là Nhà nước mà không phải là trách nhiệm của cá nhân cán bộ, công chức hay cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Mọi hành vi, quyết định của cán bộ, công chức trong khi thi hành công vụ đều được xác định là hành vi, quyết định của Nhà nước. Nếu hành vi đó trái luật, gây thiệt hại, nhà nước phải chịu trách nhiệm bồi thường. Nhưng nếu việc làm của cán bộ, công chức xảy ra không gắn với việc thi hành công vụ thì họ phải chịu trách nhiệm cá nhân về hành vi của mình, trường hợp này nhà nước không phải bồi thường.
Bồi thường dân sự khác, chủ thể có trách nhiệm bồi thường là người gây thiệt hại hoặc có thể là người thứ ba như cha, mẹ, người giám hộ của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại hoặc là pháp nhân, người dạy nghề khi người của pháp nhân, người học nghề, người làm công gây thiệt hại trong khi thực hiện công việc được giao.
Bản chất của quan hệ bồi thường
Trong bồi thường của nhà nước, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thay cho cán bộ, công chức khi họ thi hành công vụ đã gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức. Mục đích của bồi thường nhà nước là đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho công dân nước mình. Mọi công việc của cán bộ, công chức đều được pháp luật quy định cụ thể, nếu cán bộ công chức gây thiệt hại do vi phạm pháp luật (tức là có lỗi) thì đó là sai phạm của cán bộ, công chức, chứ bản thân nhà nước hoàn toàn không có lỗi. Vì Nhà nước với tư cách là người sử dụng cán bộ, công chức nên Nhà nước chịu trách nhiệm bồi thường.
Trong bồi thường dân sự khác, chủ thể có trách nhiệm bồi thường là người có lỗi. “Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân; xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”. Trong trường hợp người giám hộ không chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại thì người giám hộ phải lấy tài sản của mình để bồi thường. Nhà trường phải bồi thường thiệt hại do người dưới mười lăm tuổi gây ra trong thời gian học tại trường mà gây thiệt hại; Bệnh viện, tổ chức phải bồi thường thiệt hại do người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại trong thời gian bệnh viện, tổ chức trực tiếp quản lý người mất năng lực hành vi dân sự
Hình minh họa
Phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính
Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp sau đây:
Ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trái pháp luật;
Áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính trái pháp luật;
Áp dụng một trong các biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm hành chính sau đây trái pháp luật: Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép; Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, vật phẩm; Buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng;
Áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trái pháp luật;
Áp dụng một trong các biện pháp xử lý hành chính sau đây trái pháp luật: Giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Đưa vào trường giáo dưỡng; Đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc; Đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
Không áp dụng hoặc áp dụng không đúng quy định của Luật Tố cáo các biện pháp sau đây để bảo vệ người tố cáo khi người đó yêu cầu: Đình chỉ, tạm đình chỉ, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định xử lý kỷ luật hoặc quyết định khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người tố cáo; khôi phục vị trí công tác, vị trí việc làm, các khoản thu nhập và lợi ích hợp pháp khác từ việc làm cho người tố cáo tại nơi công tác; Đình chỉ, tạm đình chỉ, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính, hành vi hành chính xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người tố cáo; khôi phục các quyền, lợi ích hợp pháp của người tố cáo đã bị xâm phạm tại nơi cư trú; Áp dụng biện pháp ngăn chặn, xử lý hành vi xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người tố cáo theo quy định của pháp luật;
Thực hiện hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin về cố ý cung cấp thông tin sai lệch mà không đính chính và không cung cấp lại thông tin;
Cấp, thu hồi, không cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy phép và các giấy tờ có giá trị như giấy phép do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp trái pháp luật;
Áp dụng thuế, phí, lệ phí trái pháp luật; thu thuế, phí, lệ phí trái pháp luật; truy thu thuế, hoàn thuế trái pháp luật; thu tiền sử dụng đất trái pháp luật;
Áp dụng thủ tục hải quan trái pháp luật;
Giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật; bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư trái pháp luật; cấp hoặc thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trái pháp luật;
Ra quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh trái pháp luật;
Cấp văn bằng bảo hộ khi có căn cứ pháp luật cho rằng người nộp đơn không có quyền nộp đơn hoặc có căn cứ pháp luật cho rằng đối tượng không đáp ứng điều kiện bảo hộ; từ chối cấp văn bằng bảo hộ với lý do đối tượng không đáp ứng điều kiện bảo hộ mà không có căn cứ pháp luật; chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ mà không có căn cứ pháp luật;
Ra quyết định xử lý kỷ luật buộc thôi việc trái pháp luật đối với công chức từ Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống.
Phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự
Hình minh họa
Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp sau đây:
Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp mà không có căn cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật;
Người bị bắt, người bị tạm giữ mà có quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự quyết định trả tự do, hủy bỏ quyết định tạm giữ, không phê chuẩn lệnh bắt, quyết định gia hạn tạm giữ vì người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật;
Người bị tạm giam mà có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm hoặc đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm;
Người đã chấp hành xong hoặc đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân, người đã bị kết án tử hình, người đã thi hành án tử hình mà có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm;
Người bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án không bị tạm giữ, tạm giam, thi hành hình phạt tù mà có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm hoặc đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm;
Người bị khởi tố, truy tố, xét xử về nhiều tội trong cùng một vụ án, đã chấp hành hình phạt tù mà sau đó có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không phạm một hoặc một số tội và hình phạt chung sau khi tổng hợp hình phạt của những tội còn lại ít hơn thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù thì được bồi thường thiệt hại tương ứng với thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù vượt quá so với mức hình phạt của những tội mà người đó phải chấp hành;
Người bị khởi tố, truy tố, xét xử về nhiều tội trong cùng một vụ án và bị kết án tử hình nhưng chưa thi hành mà sau đó có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không phạm tội bị kết án tử hình và hình phạt chung sau khi tổng hợp hình phạt của những tội còn lại ít hơn thời gian đã bị tạm giam thì được bồi thường thiệt hại tương ứng với thời gian đã bị tạm giam vượt quá so với mức hình phạt chung của những tội mà người đó phải chấp hành;
Người bị xét xử bằng nhiều bản án, Tòa án đã tổng hợp hình phạt của nhiều bản án đó mà sau đó có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không phạm một hoặc một số tội và hình phạt của những tội còn lại ít hơn thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù thì được bồi thường thiệt hại tương ứng với thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù vượt quá so với mức hình phạt của những tội mà người đó phải chấp hành;
Pháp nhân thương mại bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án mà sau đó có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định không có sự việc phạm tội hoặc hành vi của pháp nhân không cấu thành tội phạm hoặc đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được pháp nhân đã thực hiện tội phạm và pháp nhân đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật;
Cá nhân, tổ chức có tài sản bị thiệt hại do việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu, xử lý, có tài khoản bị phong tỏa hoặc cá nhân, tổ chức khác có liên quan đến các trường hợp trên bị thiệt hại.
Phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính
Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp sau đây:
Tự mình áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trái pháp luật;
Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khác với biện pháp khẩn cấp tạm thời mà cá nhân, tổ chức yêu cầu;
Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vượt quá yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của cá nhân, tổ chức;
Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng thời hạn theo quy định của pháp luật hoặc không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà không có lý do chính đáng;
Ra bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị cơ quan có thẩm quyền kết luận là trái pháp luật mà người ra bản án, quyết định đó bị xử lý kỷ luật, xử lý trách nhiệm hình sự;
Thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, hủy hoặc làm hư hỏng tài liệu, chứng cứ hoặc bằng hành vi khác làm sai lệch nội dung vụ án, vụ việc dẫn đến việc ban hành bản án, quyết định trái pháp luật.
Phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động thi hành án hình sự
Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp sau đây:
Thi hành án tử hình đối với người thuộc trường hợp không bị thi hành án tử hình quy định tại Bộ luật Hình sự;
Giam người bị kết án phạt tù quá thời hạn phải thi hành án theo bản án, quyết định của Tòa án;
Không thực hiện một trong các quyết định sau đây: Hoãn thi hành án của Tòa án đối với người bị kết án phạt tù; Tạm đình chỉ thi hành án của Tòa án đối với người đang chấp hành hình phạt tù; Giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù của Tòa án đối với người đang chấp hành hình phạt tù; Tha tù trước thời hạn có điều kiện của Tòa án đối với người bị kết án phạt tù; Đặc xá của Chủ tịch nước đối với người bị kết án phạt tù được đặc xá; Đại xá của Quốc hội đối với người bị kết án được đại xá.
Phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động thi hành án dân sự
Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp sau đây:
Ra hoặc không ra một trong các quyết định sau đây trái pháp luật: Thi hành án; Hủy, thu hồi, sửa đổi, bổ sung quyết định thi hành án; Áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án; Cưỡng chế thi hành án; Hoãn thi hành án; Tạm đình chỉ, đình chỉ thi hành án; Tiếp tục thi hành án;
Tổ chức thi hành hoặc không tổ chức thi hành một trong các quyết định trên trái pháp luật